Quá trình hình thành làng xã

Hoằng Kim là một trong những địa phương khá gần với các di chỉ mang dấu tích của nền văn hóa Đông Sơn trên địa bàn huyện Hoằng Hóa như di chỉ Hoằng Lý (nay thuộc thành phố Thanh Hóa), di chỉ Quỳ Chử (Hoằng Quỳ) khai quật được những cổ vật thuộc thời kỳ đồ đồng cách đây khoảng 2.700 năm đã khẳng định rằng: con người đã có mặt ở Hoằng Hóa từ buổi bình minh của lịch sử dân tộc.

Đây là vùng đất được con người khai phá sớm nhất của huyện, theo Địa chí Văn hóa Hoằng Hóa của Phó Giáo sư Ninh Viết Giao: “Suốt cả thiên niên kỷ thứ nhất trước công nguyên và thiên niên kỷ sau công nguyên, cư dân trên địa bàn huyện Hoằng Hóa đã lan dần từ hai bên bờ sông Tuần Ngu (hay còn có tên sông Lạch Trường vốn là sông Mã cũ), sông Dọc (từ xã Hoằng Hợp xuống Hoằng Quỳ, qua Hoằng Phú, Hoằng Quý đến Hoằng Kim) thuộc tả ngạn sông Mã rồi mới đến các nơi khác”. Cùng với việc mở rộng địa bàn sinh sống, quá trình hình thành các làng, ấp và cộng đồng dân cư ở Hoằng Kim từ đầu công nguyên đến thế kỷ X đã khá đông đúc, điều này được thể hiện trong dấu vết các cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, Bà Triệu hay các hành quân của Lý Nam Đế, Triệu Việt Vương, Lê Đại Hành, Lê Lợi, hoặc những lần đi đánh quân Chiêm Thành của Lý Thái Tổ, Lê Thánh Tông, Quang Trung còn lưu lại nơi đây.

Có thể căn cứ vào một số thư tịch cổ còn sót lại như thần phả, sắc phong tại các đền chùa thì có thể thấy, cư dân đến Hoằng Kim trú ngụ, sinh sống, lập nghiệp dọc theo sông Trà Giang từ khá sớm, hình thành những cộng đồng dân cư với các tên cổ như kẻ Già, kẻ My (xã Hoằng Kim), kẻ Đừng (Hoằng Phú)… Đến thế kỷ VI, khi nhà Lương cai trị nước ta, nhà Tiền Lý (Lý Nam Đế), nhà Triệu (Triệu Việt Vương) từ năm 544 đến năm 603 Triệu Quang Phục lập bản doanh ở vụng Tây Hà (tương ứng với đình Trinh Hà hiện nay) lúc này đã có làng Nghĩa Trang. Đến thế kỷ X, có thêm làng My Sơn (kẻ My). Thời kỳ Bình Định Vương Lê Lợi khởi nghĩa, đánh đuổi quân Minh, vua đã cử ông Vũ Quốc Uy, tướng dạy tượng binh và con trai ông là Vũ Quốc Tường đi lập một số trại làm căn cứ hậu cần, chuẩn bị cơ sở vật chất cung cấp lương thảo cho nghĩa quân khi tiến ra Bắc, lúc này làng Trại (Trang Trại - Nghĩa Phú) ra đời cùng với một số làng của huyện Hậu Lộc (theo Địa chí xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc). Cuối thời Lê Trung Hưng, niên hiệu Cảnh Hưng (1740 - 1786), làng My Du (My Giầu) được hình thành.

Theo Địa chí Văn hóa Hoằng Hóa thì “Cư dân Hoằng Hóa, ngoài người bản địa có người ngoài Bắc vào, có người Nghệ An ra, có người Trung Hoa sang”. Hoằng Kim là một đầu mối giao thông Bắc - Nam khá thuận lợi, vốn là nơi có đường kinh lý quốc gia từ xa xưa, nơi đặt các trạm dịch nên việc cư dân nhiều nơi chọn nơi này để quần tụ, sinh sống, xây dựng xóm làng, quê hương là điều phổ biến và dễ hiểu. Ngày nay, việc gốc gác xưa không được nhiều người nhớ nữa, người dân nơi đây dù đi đâu, ở đâu cũng nhớ mình là người Hoằng Kim, thuộc huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa của Tổ quốc  Việt Nam.

Theo sách “Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỷ XIX” do Viện nghiên cứu Hán Nôm, tác giả Dương Thị The chủ biên, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội Hà Nội xuất bản năm 1981” thì khi thực dân Pháp tiến hành thay đổi địa lý hành chính các tỉnh Trung Kỳ, bốn làng Kim Sơn, My Du, Nghĩa Trang, Nghĩa Phú thuộc tổng Dương Sơn, nay thuộc xã Hoằng Kim.

Làng Nghĩa Trang

Tên nôm là Làng Già (Kẻ Già), “Nghĩa Trang” tên gọi này có từ thời Tiền Lê (Lê Long Đĩnh), thời Trần gọi là Mộc Gia Trang, đến đầu thời nhà Nguyễn trở lại tên gọi Nghĩa Trang xã. Ở xứ đồng Lồ Hôi, phía Bắc chân núi Già, thuộc tổng Dương Sơn. Làng nằm bên cạnh bờ Trà Giang uốn khúc, nhìn lên dãy núi Sơn Trang hùng vĩ, được núi Sơn Trinh, núi Nghè bao bọc, nhân dân tự hào trong câu thơ :

Làng ta phong cảnh hữu tình

Trà Giang uốn khúc như hình con long

Thiên nhiên tươi đẹp, hùng vĩ tạo nên địa hình địa lý đẹp lại rất thuận tiện, là đầu mối giao thông quan trọng, cửa ngõ qua lại tứ phía, ra Bắc vào Nam, lên rừng, xuống biển, tàu xe xuôi ngược. Do vậy cư dân sớm tập trung về đây làm ăn buôn bán, nhiều ngành nghề được trù phú như cấy lúa, làm khoai, nung vôi, làm gạch, nghề mộc, nghề nề, trăm nghề cứ đua nhau phát triển.

Căn cứ vào những sắc phong còn lại của nghè Nghĩa Trang, làng được hình thành vào đầu thế kỷ thứ VI, khi Triệu Việt Vương lập bản doanh ở vụng Tây Hà chống giặc phương Bắc, Chân Lạp, Ai Lao, Chiêm Thành, lúc này đã có làng Nghĩa Trang. Lúc đầu làng quần cư tại Lồ Hôi, dưới chân núi Già có tên là Mộc Gia Trang (kẻ Già), sau chuyển về vị trí như ngày nay và mang tên mới là Nghĩa Trang. Trung tâm làng dọc theo đường Thiên lý, có chợ Già gần sát sông Trà Giang, thuyền bè đông vui tấp nập, trao đổi hàng hóa nhộn nhịp, không thiếu thứ gì. Từ chợ nhân dân trong làng đã xây cất nhà ở dọc theo đường, làm đình chợ, đào giếng chợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho những người đến trao đổi hàng hóa, kể cả những người từ xa đến có nhu cầu ở lại vài ba ngày. Có thể nói chợ Già và làng Nghĩa Trang thời bấy giờ đã trở thành trung tâm buôn bán sầm uất, nổi tiếng của cả vùng rộng lớn từ tây bắc Hậu Lộc đến bắc Hoằng Hóa, sang cả bên kia sông Mã như làng Giàng, làng Vồm (Thiệu Hóa), làng Tử (Yên Định). Các dòng họ trong làng từ bốn phương họp lại chung sống đoàn kết, thuận hòa, yêu thương, đùm bọc, cùng nhau xây dựng xóm làng. Đông nhất là họ Lê với các chi, cành: Lê Nguyên, Lê Công, Lê Bá, Lê Như, Lê Đình, Lê Văn; tiếp đến là các họ Phạm gồm 2 nhánh: Phạm Công, Phạm Thế; họ Nguyễn Đình, Nguyễn Ngọc, Nguyễn Văn, Nguyễn Minh và một số dòng họ khác như họ Trần, họ Mai, họ Đinh, họ La, họ Hứa…

Bên cạnh trung tâm kinh tế, chính trị, làng Nghĩa Trang còn có rất nhiều công trình văn hóa lịch sử có giá trị và được bảo tồn. Bên cạnh các miếu mạo, chùa Tây, đình Chợ, phủ, nghè với những nét kiến trúc cổ kính bên dưới những hàng cây cổ thụ, soi bóng bên dòng Trà Giang tươi mát.

Ông cha một tấm lòng son

Bao công xây dựng lên non nước này

Đường năm qua phố chợ Già

Công trình văn hóa thật là nguy nga

Đây là làng lớn nhất của xã, với diện tích khoảng 120 ha. Trước Cách mạng tháng Tám 1945, làng có 10 xóm: Đông , Phủ, Bắc, Nam, Đồng, Chòm, Tây, Chợ Già, Thượng, Chợ Hạ. Từ sau năm 1945 đến 1960, đổi tên thành các xóm: Sen, Phủ, Hùng Tiến, Trung Tiến, Nam Phong, Bắc Sơn. Hiện nay làng có khoảng gần 1.066 hộ gia đình với  4.572 nhân khẩu (số liệu năm 2002), chia thành ba thôn: Nghĩa Trang 1, Nghĩa Trang 2 và thôn Hiệp Thành.

Làng My Du

Làng trước đây còn có tên gọi là Kẻ Mi (Địa chí Văn hóa Hoằng Hóa, trang 502, dòng 03, Sđđ) có vị trí phía tiếp giáp với xã Hoằng Phú, Hoằng Quý, Hoằng Trung và sông Kim Trà, nằm trên đường Thiên lý xưa đi qua Hoằng Giang. Theo người dân kể lại, người lập làng đầu tiên là ông Lê Phúc Thực từ thôn Xa Vệ, xã Hoằng Trung sang đây lập nghiệp, khai khẩn đất làm nông nghiệp. Sau đó có họ Bùi từ Hoằng Xuân xuống đầu tiên là ông Bùi Văn Thiên Thu. Năm 1820, họ Đỗ cùng họ Đoàn và còn có họ Nguyễn, họ Phạm cũng về xây dựng làng. Hiện nay trong làng có cồn mã họ chôn ba ông tổ họ Lê, họ Bùi và họ Đỗ.

Tên gọi của làng được cho là do nhà vua đặt là My Du, theo nghĩa nôm là Mây Giàu, Kẻ Giàu, Đa Mi. Lúc bấy giờ thuộc phủ Hà Trung, huyện Mỹ Hóa, tổng Dương Sơn.

Buổi sơ khai xây dựng làng mới có 5 đến 7 hộ, dần dần phát triển, sinh cơ lập nghiệp của hàng trăm hộ. Đến nay, qua quá trình đi xây dựng vùng kinh tế mới và quá trình công nghiệp hóa, số hộ trong thôn hiện chỉ khoảng 98 hộ với số dân khoảng 399 nhân khẩu (số liệu năm 2018).

Tuy là một làng nhỏ nhưng dân ở đây đã sớm xây dựng được những giá trị văn hóa lịch sử rất đỗi tự hào, trong thôn có những di tích lịch sử khá nổi tiếng như hai cây đa ở Cồn Điếm có tới khoảng 300 năm tuổi, có khu Nghè thờ Thần Hoàng, là nơi luyện tập của dân quân du kích cách mạng thời mới giành được chính quyền, là trụ sở của Ủy ban hành chính xã cũ, là nơi làm trạm xá trong thời kỳ chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ.

Làng Nghĩa Phú

Có vị trí phía tiếp giáp với Hoằng Trinh, Hoằng Trung, đường sắt Bắc - Nam chạy qua làng, giáp với Quốc lộ 1A, đường Tỉnh lộ số 5 chạy về chợ Phủ và thị trấn của huyện Hậu Lộc, cũng là một trong những đầu mối giao thương quan trọng. Theo lời kể, thôn hình thành sớm vào trước thời Trần, cách ngày nay khoảng 700 năm. Đến thời cuộc khởi nghĩa Lam Sơn chống quân Minh của Lê Lợi. Năm 1426, sau khi hạ thành Nghệ An và quyết định tấn công ra Bắc giải phóng Đông Đô, để chuẩn bị căn cứ hậu cần, huy động sức người, sức của cho việc giải phóng đất nước, Lê Lợi đã cử hai cha con ông Vũ Quốc Uy, Vũ Quốc Tường đi chiêu dân lập các trang trại tích trữ lương thực, thực phẩm chờ đón nghĩa quân trên đường ra Bắc. Làng Trang Trại được hình thành, sau đổi tên là làng Nghĩa Phú. Ông Vũ Quốc Tường là thần hoàng làng, sau đó các họ khác đến sinh sống, đông dần. Trong đạo sắc đầu tiên, tên làng được ghi là Trang Sắc, Phú Trang, thuộc tổng Dương Sơn.

 Ban đầu làng mới chỉ có 7 hộ dân cư từ các nơi về khai trang, lập ấp lấy họ ông Vũ Quốc Trung làm gốc, gồm có 7 cụ cố: Đểnh (tức Vũ Văn Đệ), cố Mười (tức Nguyễn Văn Thế), cố Trau (tức Vũ Văn Tam), cố Độ (tức Vũ Văn Chuyên), cố Hào (tức Vũ Văn Đường), cố Bảng (tức Vũ Văn Chính), cố Dương (tức Vũ Văn Hiểu). Qua quá trình phát triển, dân số ngày càng tăng, diện tích đất đai được mở rộng, đến nay thôn có 104 hộ, với dân số 436 người (số liệu năm 2018).

Làng có những di tích để lại khá đa dạng, trước sân đình có hai cái ao dùng để thả cá, trồng sen cho làng dùng vào các dịp lễ hội của làng trước đây. Đầu làng có cây đa, hai cây mít, một vườn dừa 50 cây và một vườn mít 200 cây do cụ Vũ Văn Đệ (tức cố Đểnh) cung đức cho làng. Vì thế, họ Vũ là dòng họ lớn nhất của làng.

Đình làng trước đây được các cụ kể lại có đầy đủ tiện nghi, nội thất vô cùng sầm uất, có một cái chuông nặng khoảng 90 kg, trong chuông được đúc có 2 đến 3 kg vàng, có những pho tượng được yểm bằng vàng và nhiều di sản có giá trị khác. Tuy nhiên, đến nay trong thời kỳ chiến tranh đã bị tàn phá và mai một dần.

Làng Kim Sơn

Ra đời trên cơ sở 4 xóm : Đông, Điếm, Cổng, Đình, lúc đầu có tên là My Sơn (kẻ My), quãng năm 1940, được đổi thành tên gọi Kim Sơn như ngày nay. Làng có núi ở phía tây (núi Kim Sơn), sông Trà Giang ở phía Bắc, diện tích tự nhiên khoảng 60 ha, chủ yếu là đất nông nghiệp (khoảng 51 ha), hiện nay có 281 hộ với trên 1.000 nhân khẩu.

Tương truyền về sự thành lập làng vào năm Giáp Thân 1044, thời Lý Thái Tông ngự giá thân chinh đi đánh giặc Chiêm Thành, trong đội ngũ các tướng lĩnh có ông Cao Minh (1010 - ?) vốn là người Hương Phố (Quảng Đông, Trung Quốc), văn võ song toàn, lại tinh thông nho, y, lý, số. Nhà Tống lúc bấy giờ rối ren, ông lưu lạc xuống phương Nam và được vua Lý trọng dụng. Khi vua nhà Lý đánh tan giặc Chiêm Thành, ông được ban, phong chức tước và hậu thưởng nhưng ông không nhận, chỉ xin vua cho đi vãn du, chọn nơi thắng địa chiêu dân lập ấp. Ông đã chọn núi Kim Quy (Kim Sơn) dừng chân, mộ dân lập làng (theo Văn tế của làng), khi ông mất dân làng tôn thờ làm thành hoàng làng.

Người được cho là đầu tiên đến đây lập làng là ông Nguyễn Phúc Khoát, có thể ông là người huyện Tống Sơn (nay thuộc Hà Trung), tiếp đó là họ Trịnh (chi nhánh Trịnh Cối) làng Bồng (xã Vĩnh Hùng, Vĩnh Lộc), sau này có thêm các họ Bùi, họ Nguyễn, họ Trịnh khác.

Trải qua thời gian, nhiều lần giữa các làng có lúc chia tách, sáp nhập tại những thời điểm lịch sử khác nhau, song giữa các thôn, làng trong xã Hoằng Kim luôn có sự liên hệ, gắn bó, đồng thời luôn là cái nôi bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của quê hương, dân tộc.

 

Kết quả giải quyết TTHC
Truy cập
Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
293206