Hoằng Kim là xã đồng bằng phía tây bắc huyện Hoằng Hóa, cách trung tâm huyện khoảng 10km về phía bắc, cách trung tâm thành phố Thanh Hóa khoảng 15 km. Phía bắc giáp với xã Hoằng Trung; phía tây và tây nam giáp xã Hoằng Xuân, Hoằng Phượng; phía nam giáp với xã Hoằng Phú và Hoằng Quý; phía đông giáp với xã Hoằng Trinh.
Toàn xã hiện nay có 4 thôn Kim Sơn, My Du, Nghĩa Trang và Nghĩa Phú, với tổng diện tích tự nhiên là 279,63 ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp 177,85 ha (trong đó đất sản xuất nông nghiệp là 174,18 ha; đất nuôi trồng thủy sản kết hợp lúa, cá là 11,59 ha; mặt nước ao hồ là 3,62 ha; đất nông nghiệp khác là 0,05 ha); xã có 1.488 hộ với 6.111 nhân khẩu; tổng số lao động là 3.038 người (số liệu năm 2018)
Địa hình khá bằng phẳng, chủ yếu vùng đất Hoằng Kim ngày nay là đất phù sa cổ do sông Mã và các con sông khác bồi đắp hàng ngàn năm tạo thành. Hoằng Kim có con sông chính chảy qua ở phía bắc xã là sông Trà Giang, hay còn gọi là song Ấu, ranh giới của hai xã Hoằng Kim và Hoằng Trung. Xưa kia là một nhánh của song Mã, bắt nguồn từ làng Đại Điền, xã Hoằng Khánh chảy qua các xã Hoằng Xuân, Hoằng Kim, Hoằng Trung, Hoằng Trinh, Hoằng Lương. Theo Địa chí Văn hóa Hoằng Hóa: Sông Trà (Giang) là hợp lưu của 3 con sông cũ. Một sông từ xã Hoằng Hợp chảy xuống xã Hoằng Lý, qua 2 xã Hoằng Phú, Hoằng Quý đến xã Hoằng Kim. Đây là con sông bà con thường gọi là sông Dọc. Một sông từ sông Lèn ở mé dưới làng Phong Mục chảy qua đất Hậu Lộc đến xã Hoằng Trung rồi cũng đến xã Hoằng Kim, dân địa phương gọi sông này là sông Ấu. Rồi một sông nữa từ làng Đại Điền thuộc xã Hoằng Khánh chảy qua làng Kênh Thôn xuống xã Hoằng Kim, đoạn sông này nhiều người cho là do Lê Đại Hành đào ra để chuyển quân lương từ cửa Lạch Trường qua sông Tà lên Ngã Ba Bông, đồng thời để tiêu úng cho cánh đồng địa phương. Như vậy sông Trà từ xã Hoằng Kim chảy xuống các xã Hoằng Trinh, Hoằng Lương đến Ngã Ba Gành thì một nhánh quặt qua xã Hoằng Sơn đến xã Hoằng Khê, rồi qua Hoằng Xuyên đổ vào sông Lạch Trường ở ngã ba Bộ Đầu. Một nhánh chảy theo hướng bắc đến làng Khoan Dịch, Do Trung qua một số làng nữa thuộc huyện Hậu Lộc rồi đổ vào sông Lèn. Đoạn sông này nhiều người cũng cho là sông đào vào thời Tiền Lê. Như vậy, nếu như sông Cung nối liền sông Lạch Trường với sông Mã thì sông Trà nối liền sông Lèn với sông Lạch Trường. Cũng như sông Cung, sông Kim Trà vừa tiêu úng, vừa đem lại nguồn thực phẩm dồi dào về thủy sản cho các làng ven sông. Trước đây khi còn thong với sông Mã, sông Trà Giang góp phần tạo nên một mạng lưới giao thong đường thủy rất thuận tiện, thuyền bè từ sông Lạch trường vào để lên Ba Bông, xuôi sông Lèn, hoặc đi sông Mã lên ngã ba Giàng, Hàm Rồng. Hiện nay cửa sông bị lấp, dòng sông bị chia cắt làm nhiều khúc nhưng vẫn rất quan trọng trong hệ thống thủy nông của huyện Hoằng Hóa và các xã mà nó chạy qua. Ngoài ra, ở phía nam xã có con kênh N3 (được đào từ năm 1963) chạy qua, phục công tác thủy lợi cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.
Xen giữa những cánh đồng và xóm làng bằng phẳng, ở Hoằng Kim được điểm xuyết bằng những ngọn núi nhỏ, núi Kim Sơn ở phía tây, núi Già ở phía đông. Đây là những núi đất xen kẽ những vỉa đá lớn nằm sâu dưới lòng đất hoặc lộ thiên, nhờ hai ngọn núi này mà một thời kỳ, nhân dân hai làng Kim Sơn và Nghĩa Trang có thêm một nghề mới, nghề khai thác đá làm vật liệu xây cất nhà cửa thay gạch. Sau cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, đá núi Già được khai thác sử dụng nâng cấp đường Quốc lộ 1A từ Chồng Mâm đi thị xã Thanh Hóa.
Khí hậu xã Hoằng Kim mang đặc trưng khí hậu nhiệt đới gió mùa, nắng lắm, mưa nhiều. Thời tiết được chia thành bốn mùa khá rõ rệt là xuân, hạ, thu, đông nên phù hợp với nhiều loại cây trồng vùng nhiệt đới, ôn đới và hàn đới với các vụ chính trong năm là Chiêm Xuân và vụ Đông. Thông thường có 2 hướng gió chính là gió mùa đông nam vào mùa hạ và gió mùa đông bắc vào mùa đông, ngoài ra hàng năm có xuất hiện 8 - 10 đợt gió tây nam khô nóng. Những tháng có nhiệt độ cao là từ tháng 5 đến tháng 7, bình quân từ 27-370 C. Những tháng có nhiệt độ thấp nhất là từ tháng 11 đến tháng 2 năm sau, bình quân từ 16-220 C.
Về thủy văn, do xã có sông Kim Trà và Kênh thủy nông N3 chảy qua, nên có lượng thủy văn dồi dào, là điều kiện để nhân dân trong xã xây dựng hệ thống tưới tiêu ngay từ thời khai thiên, lập địa.
Với địa hình khá bằng phẳng, đất đai Hoằng Kim do phù sa các dòng sông lớn của huyện chảy qua tích tụ hàng ngàn năm, với ba loại đất chính là đất thịt nhẹ, đất thịt và đất cát pha. Do đó, thành phần dinh dưỡng khá cao, rất thuận lợi cho việc thâm canh trồng cây lúa nước, các loại cây rau màu và nuôi trồng thủy sản, xây dựng các hệ thống kênh mương, giao thông và các công trình khác cũng như việc bố trí khu dân cư. Cùng với điều kiện thời tiết trên địa bàn xã nhìn chung khá thuận lợi để phát triển nhiều loại cây trồng và vật nuôi. Đặc biệt, tổng nhiệt độ trong năm lớn là cơ sở để Hoằng Kim có thể thâm canh, canh tác được nhiều vụ trong năm. Do vậy, Hoằng Kim là một trong những xã nằm trong vùng trọng điểm sản xuất lúa và hoa màu của huyện Hoằng Hóa.
Hoằng Kim có vị trí giao thông khá quan trọng và rất thuận tiện. Về đường bộ có Quốc lộ 1A huyết mạch giao thông của cả nước chạy qua xã theo hướng bắc - nam với khoảng 2 km; Đường Tỉnh lộ số 5 được hình thành từ thời phong kiến, được gọi là đường Thiên lý quốc gia (hay còn gọi là đường Thầy, đường chính) từ làng Giàng (Thiệu Hóa) đến làng Quán Đầu, xã Hoằng Giang qua Hoằng Phượng, Hoằng Kim kéo dài đến chợ Phủ (Hậu Lộc), nối hai trung tâm tỉnh lỵ của tỉnh Thanh Hóa thời phong kiến, trên đường có hai trạm dịch ở núi Đẻn và ở núi Trinh Sơn. Từ thời thuộc Pháp, để phục vụ cho việc khai thác thuộc địa, chúng đã mở Quốc lộ 1A, đường sắt xuyên Đông Dương, tại đây chúng lập ga Nghĩa Trang, bắc cầu qua sông Ấu, gọi là cầu Tây, tạo thành ngã tư Nghĩa Trang giao cắt giữa Tỉnh lộ số 5 với Quốc lộ 1A, tạo thành đầu mối giao thông thuận lợi cho phát triển kinh tế, dịch vụ thương mại; các tuyến đường liên xã chạy theo các tuyến đường chính nối với Quốc lộ 1A và Tỉnh lộ số 5; các tuyến đường đi qua đường liên thôn tạo thành mạng lưới giao thông tương đối thuận lợi. Về giao thông đường sắt có tuyến đường sắt Bắc - Nam chạy qua với ga Nghĩa Trang, trở thành trung tâm chuyên chở hàng hóa của vùng.
Với điều kiện đó, Hoằng Kim có những thuận lợi rất cơ bản trong giao lưu, trao đổi văn hóa cũng như trong kinh doanh dịch vụ hàng hóa. Từ rất lâu đời đã hình thành những trung tâm buôn bán, dịch vụ thương mại trên địa bàn xã là chợ Già và phố Nghĩa Trang. Đây là điều kiện để giao lưu phát triển kinh tế và văn hóa - xã hội với các địa phương khác và với cả nước. Đặc biệt, trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, nhân dân xã Hoằng Kim đã và đang phát huy tối đa những tiềm năng sẵn có, cùng nhân dân cả nước xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Tuy nhiên, điều kiện tự nhiên đó cũng gây không ít khó khăn, tạo ra những thách thức lớn đối với quá trình sinh sống và phát triển của làng, xã. Chịu ảnh hưởng mạnh mẽ chế độ thủy văn của các con sông, thường xuyên chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão lụt diễn ra. Con người nơi đây trong quá trình sinh sống phải đương đầu với điều kiện tự nhiên, chống lũ lụt, các hiện tượng cực đoan của thời tiết. Ngay từ khi mở làng, lập ấp, nhân dân Hoằng Kim đã phải ra sức làm công tác thủy lợi, huy động lớn nguồn nhân lực, vật lực.
Có thể nói, với vị trí địa lí và điều kiện tự nhiên trên đây đã mang đến những đặc điểm riêng của nhân dân xã Hoằng Kim. Đây cũng chính là những yếu tố rất quan trọng góp phần hình thành nên những nét đặc trưng riêng của xã Hoằng Kim ngày nay phát triển khá toàn diện.
- Kết quả giải quyết TTHC tuần 2 tháng 11 (Từ ngày 11/11 đến ngày 15/11/2024)
- Kết quả giải quyết TTHC tuần 1 tháng 11 (Từ ngày 04/11 đến ngày 08/11/2024)
- Kết quả giải quyết TTHC tuần 4+1 tháng 10 (Từ ngày 28/10 đến ngày 01/11/2024)
- Kết quả giải quyết TTHC tuần 4 tháng 10 (Từ ngày 21/10 đến ngày 24/10/2024)
- Kết quả giải quyết TTHC tuần 3 tháng 10 (Từ ngày 14/10 đến ngày 18/10/2024)