TỜ TRÌNH Về việc đề nghị thông qua dự thảo Nghị quyết ban hành các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở trên địa bàn xã Hoằng Kim

Đăng lúc: 14:02:21 08/11/2024 (GMT+7)

 

ỦY BAN NHÂN DÂN

               XÃ HOẰNG KIM              

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

                Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Số:       /TTr-UBND

 

         Hoằng Kim , ngày      tháng 11 năm 2024

TỜ TRÌNH

Về việc đề nghị thông qua dự thảo Nghị quyết ban hành các biện pháp

bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở trên địa bàn xã Hoằng Kim

 
 

 


          Kính gửi: HĐND xã Hoằng Kim  khóa XXI, Kỳ họp thứ 12

                                           

Thực hiện Quyết định số 346/QĐ-TTg ngày 06/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Kế hoạch số 172/KH-UBND ngày 26/6/2023 của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc triển khai thi hành Luật Thực hiện dân chủ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa; Kế hoạch số 123/KH-UBND ngày 30/06/2023 của UBND huyện Hoằng Hóa ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở trên địa bàn huyện Hoằng Hóa. UBND xã kính trình Hội đồng nhân dân xã Khóa XXI, kỳ họp thứ 9 xem xét ban hành Nghị quyết quyết định các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở trên địa bàn xã Hoằng Kim, cụ thể như sau:

I. SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH NGHỊ QUYẾT

1. Căn cứ pháp lý

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở ngày 10/11/2022;

Căn cứ Nghị định số 59/2023/NĐ-CP ngày 14/8/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở;

Căn cứ Nghị định số 61/2023/NĐ-CP ngày 16/8/2023 của Chính phủ về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư;

Kế hoạch số 172/KH-UBND ngày 26/6/2023 của UBND tỉnh về triển khai thi hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa; Kế hoạch số 123/KH-UBND ngày 30/06/2023 của UBND huyện Hoằng Hóa ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở trên địa bàn huyện Hoằng Hóa.

2. Cơ sở thực tiễn

Thực hiện các quy định của Trung ương về thực hiện dân chủ ở cơ sở, trong những năm qua, cấp uỷ, chính quyền trên địa bàn xã đã tổ chức quán triệt, triển khai nghiêm túc, đầy đủ, kịp thời các chủ trương, văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, của tỉnh, của huyện về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, qua đó việc triển khai thực hiện dân chủ ở cơ sở trên địa bàn xã đạt nhiều chuyển biến tích cực trong đời sống kinh tế - xã hội; nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân đối với việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở ngày càng được nâng cao; góp phần quan trọng vào thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị quan trọng của địa phương và xây dựng hệ thống chính trị của xã trong sạch, vững mạnh.

Kết quả thực hiện dân chủ ở xã đã góp phần mang lại sự ổn định chính trị - xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nâng cao dân trí, qua đó tạo động lực thúc đẩy việc thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh của địa phương.

Việc thực hiện dân chủ trong cơ quan hành chính cũng đã làm chuyển biến rõ rệt về ý thức, đạo đức, phong cách làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, đặc biệt là người đứng đầu, người giữ chức vụ lãnh đạo; vai trò, trách nhiệm của cán bộ, công chức ngày càng được phát huy thông qua việc đóng góp ý kiến xây dựng các chương trình, kế hoạch phát triển của địa phương.

Quyền, lợi ích của người lao động được đảm bảo, được biết, được bàn, được kiểm tra, giám sát và được quyết định các vấn đề liên quan, qua đó nâng cao ý thức, trách nhiệm của người lao động, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, cải thiện đời sống của người lao động, từ đó tạo sự đồng thuận, tin tưởng, gắn bó giữa người lao động với doanh nghiệp, hạn chế xung đột lợi ích và tranh chấp trong lao động.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được như trên, trong thực tiễn triển khai thực hiện dân chủ ở cơ sở vẫn còn những tồn tại, hạn chế đó là:

Công tác tuyên truyền, quán triệt, triển khai các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các quy định của Trung ương, của tỉnh, huyện về thực hiện quy chế dân chủ có lúc, có việc chưa thường xuyên, chưa sâu rộng, chưa thật sự chuyển biến mạnh mẽ trong cán bộ, đảng viên, công chức, người lao động và các tầng lớp Nhân dân;

Nhận thức về thực hành dân chủ của một bộ phận Nhân dân chưa cao, chưa thật sự quan tâm đầy đủ về quyền và lợi ích của chính mình. Việc nắm bắt tình hình và tham mưu giải quyết những vấn đề phát sinh từ cơ sở ở một số thôn có lúc, có việc chưa kịp thời. Hoạt động của Ban Thanh tra Nhân dân, Ban Giám sát cộng đồng có lúc, có việc hiệu quả hoạt động chưa cao, chưa thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ; công tác biểu dương, khen thưởng chưa được quan tâm thường xuyên; chưa có chế tài xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm dân chủ ở cơ sở.

Việc thực hiện Pháp lệnh dân chủ (nay là Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở) ở một số thôn còn hình thức, có nội dung chưa kịp thời công khai cho người dân tiếp cận thông tin đầy đủ; nhất là đối với việc triển khai thực hiện một số chương trình, dự án. … Những hạn chế nêu trên đã phần nào làm ảnh hưởng đến uy tín, niềm tin của Nhân dân đối với sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức trong hệ thống chính trị.

Những nguyên nhân chủ yếu là:

- Việc nghiên cứu, ban hành một số văn bản hướng dẫn thực hiện cơ chế, chính sách còn chậm; có một số nội dung phát sinh mới trong thực tiễn nhưng pháp luật chưa kịp thời quy định điều chỉnh.

- Một số cơ chế, chính sách, pháp luật của Nhà nước chưa đồng bộ, có nhiều thay đổi, nhất là lĩnh vực đất đai, quy hoạch, đầu tư, xây dựng… làm phát sinh mâu thuẫn, khó đảm bảo thống nhất trong quá trình tổ chức thực hiện.

- Hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội có lúc còn lúng túng, hiệu quả chưa cao. Sự phối hợp giữa chính quyền với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội còn chưa thường xuyên, chặt chẽ; Công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết chuyên đề về phát huy quyền làm chủ của Nhân dân chưa thường xuyên; việc tự kiểm tra, giám sát chưa được coi trọng đúng mức. Thành viên Ban Chỉ đạo hoạt động kiêm nhiệm, thường xuyên có sự biến động, do đó việc nắm bắt và tham mưu để triển khai thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở còn hạn chế.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, đồng thời cụ thể hóa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở một cách nghiêm túc, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, hiệu quả, phát huy cao nhất quyền làm chủ của Nhân dân, bảo đảm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân hưởng thụ”; tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện quyền làm chủ của Nhân dân, của cán bộ, công chức, người lao động và triển khai thi hành Luật trên địa bàn xã tạo sự đồng thuận và phát huy được sức mạnh toàn dân trong xây dựng và phát triển xã Hoằng Kim.

Căn cứ những quy định của pháp luật và tình hình thực tiễn của địa phương, việc trình HĐND xã ban hành Nghị quyết quyết định các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở trên địa bàn xã Hoằng Kim  là cần thiết và đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật hiện hành.

II. QUAN ĐIỂM, MỤC ĐÍCH VÀ QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG NGHỊ QUYẾT

1. Quan điểm

Nhằm cụ thể hóa quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về thực hiện dân chủ ở cơ sở, trên cơ sở tuân thủ các quy định của Hiến pháp, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Nghị định số 59/2023/NĐ-CP ngày 14/8/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Nghị định số 61/2023/NĐ-CP ngày 16/8/2023 của Chính phủ về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư, Quyết định số 346/QĐ-TTg ngày 06/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Việc ban hành các biện pháp bảo đảm sự thống nhất lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong thực hiện dân chủ ở cơ sở, bảo đảm quyền của công dân, cán bộ, công chức và người lao động được biết, tham gia ý kiến, quyết định và kiểm tra, giám sát. Bảo đảm công khai, minh bạch, tăng cường trách nhiệm giải trình trong quá trình thực hiện dân chủ ở cơ sở, đồng thời bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, tôn trọng ý kiến đóng góp của Nhân dân, kịp thời giải quyết kiến nghị, phản ánh của Nhân dân.

2. Mục đích

Các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở trên địa xã Hoằng Kim  được ban hành là cơ sở pháp lý để triển khai thi hành Luật, bảo đảm kịp thời, đồng bộ, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả; đồng thời phù hợp với đặc điểm tình hình và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của xã.

Các quy định về nội dung, cách thức thực hiện dân chủ ở cơ sở trên địa bàn xã được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, phát huy cao nhất quyền làm chủ của Nhân dân; nâng cao ý thức, trách nhiệm người đứng đầu, cán bộ, công chức và người lao động trong việc thực hiện dân chủ ở cơ sở; bảo vệ lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, kịp thời ngăn chặn và chống các hành vi quan liêu, phiền hà, sách nhiễu các tổ chức, doanh nghiệp và người dân; góp phần xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của địa phương.

3. Quá trình xây dựng Nghị quyết

- Ngày 05/7/2023, UBND xã đã ban hành Kế hoạch số 54/KH-UBND về triển khai thi hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở trên địa bàn xã Hoằng Kim.

- Ngày    /9/2024, UBND xã đã ban hành Công văn số      /UBND-VP về việc xin ý kiến tham gia góp ý dự thảo Tờ trình của UBND xã và Nghị quyết của HĐND xã về ban hành các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở trên địa bàn xã Hoằng Kim .

III. BỐ CỤC, NỘI DUNG DỰ THẢO NGHỊ QUYẾT

1. Bố cục

 Dự thảo Nghị quyết của HĐND xã quyết định các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở trên địa bàn xã Hoằng Kim gồm có 05 Điều, cụ thể:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

Điều 2. Các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ s trên địa bàn

Điều 3. Nguồn kinh phí thực hiện

Điều 4. Tổ chức thực hiện

Điều 5. Hiệu lực thi hành

2. Nội dung chính

Nghị quyết quyết định 05 nhóm biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở, được cụ thể hóa bằng các biện pháp cơ bản, cần thiết để tổ chức thực hiện trên địa bàn xã, nhằm phát huy dân chủ ở cơ sở phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

2.1. Nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ để đảm bảo thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở.

2.2. Công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở.

2. 3. Trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương và người đứng đầu trong việc thực hiện dân chủ và bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở.

2.4. Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong thực hiện dân chủ ở cơ sở.

 2.5. Thi đua, khen thưởng, biểu dương và xử lý nghiêm vi phạm trong thực hiện dân chủ ở cơ sở.

 (Có dự thảo Nghị quyết kèm theo)

Trên đây là Tờ trình đề nghị ban hành Nghị quyết của HĐND xã quyết định các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở trên địa bàn xã Hoằng Kim . UBND xã kính trình HĐND xã khóa XXI, kỳ họp thứ 12, xem xét, quyết định./.

 

Nơi nhận:               

- Như trên (B/c);

- BTV Đảng uỷ (B/c);

- Lưu: VT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN

CHỦ TỊCH

 

 

 

 

 

Lê Quang Thành

  
Kết quả giải quyết TTHC
Truy cập
Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
293206